Phương pháp giáo dục REGGIO EMILIA
Phương pháp giáo dục Reggio Emilia là gì?
Đây là phương pháp giáo dục được nhà tâm lý học người Italy, Loris Malaguzzi (1920-1994) phát triển từ những năm 40 của thế kỷ 20 sau khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 vừa kết thúc và được đặt tên theo ngôi làng Reggio Emilia ở phía bắc Italy.
Triết lý Reggio Emilia bắt nguồn từ niềm tin cho rằng trong mỗi trẻ đều chứa đựng một tiềm năng lớn và tiềm năng đó sẽ được phát triển nhờ chính trí tò mò vốn có của trẻ. Trẻ cố gắng tìm hiểu thế giới xung quanh à tự đưa ra cách riêng của mình để giải thích sự vận động của thế giới xung quanh trẻ.
Theo Reggio Emilia, mỗi cá nhân chúng ta đều xây dựng kiến thức của mình từ những kinh nghiệm thực tế, thông qua những tương tác của mỗi người với môi trường và xã hội. Trẻ em cũng vậy, trẻ cần được nhà trường và gia đình trao cho những cơ hội để xây dựng kho kiến thức của mình dựa trên trí tò mò tự nhiên của trẻ.
Các lợi ích mà phương pháp Reggio Emilia mang đến cho trẻ:
Phương pháp Reggio Emilia giúp:
- Kích thích sự tò mò, quan sát của trẻ.
- Giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh từ đó tạo nên sự yêu thích tìm tòi học tập ở trẻ.
- Giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng và sáng tạo qua các hoạt động như vẽ, nặn, sáng tác tranh.
- Phát triển khả năng hợp tác và làm việc nhóm của trẻ.
- Giúp trẻ biết yêu và bảo vệ thiên nhiên.
Các đặc điểm của phương pháp Reggio Emilia:
- Trẻ tham gia tích cực trong học tập
Với phương pháp Reggio Emilia:
- Trẻ được đặt câu hỏi của riêng chúng.
- Trẻ được tự đặt ra những giả thuyết của riêng chúng.
- Trẻ được trải nghiệm giả thuyết chúng đặt ra.
- Trẻ được kích thích so sánh với nguồn tài liệu để tự rút ra một quan điểm mới.
- Mọi con người và đối tượng đều là đối tác trong quá trình học tập và trẻ được chia sẻ những gì chúng khám phá để phát triển kỹ năng làm việc nhóm.
- Trẻ em có thể giao tiếp bằng hàng trăm thứ ngôn ngữ khác nhau
Reggio giúp trẻ nói lên được ngôn ngữ riêng của chúng, hiện thực hóa suy nghĩ của chúng bằng nhiều cách, không chỉ bằng ngôn ngữ. Khía cạnh nổi bật nhất trong phương pháp tiếp cận Reggio Emilia chính là niềm tin rằng trẻ thể hiện sự hiểu biết và diễn tả suy nghĩ cũng như sáng tạo của mình bằng rất nhiều cách khác nhau. Có hàng trăm cách suy nghĩ, khám phá và học tập. Thông qua các bức vẽ và điêu khắc, hay các hoạt động nhảy múa và vận động, thông qua mỹ thuật và đóng kịch cũng như các mô hình và âm nhạc và mỗi một cách trong “Hàng trăm ngôn ngữ” này đều phải được coi trọng cũng như giáo dục. Tất cả những điều này là một phần của trẻ em; học và chơi không thể tách rời. Phương pháp Reggio Emilia nhấn mạnh phát kiến thực tiễn trong việc học tập bằng cách cho phép trẻ sử dụng tất cả các giác quan và ngôn ngữ của mình để học.
- Môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc học của trẻ
Môi trường là người thầy thứ ba cũng chính là nơi định giá quá trình học tập của trẻ, là nơi cung cấp cho trẻ những công cụ để hiện thực hóa ý tưởng của trẻ và trong phương pháp Reggio Emilia, sự hợp tác giữa các trẻ được đánh giá rất cao.
Hầu hết các trường học Reggio Emilia lý tưởng đều có một “xưởng nghệ thuật” được lấp đầy với các vật liệu như đất sét, sơn và các nguyên vật liệu thiên nhiên, các tác phẩm sáng tạo của trẻ. Trẻ em sử dụng các vật liệu trong “xưởng nghệ thuật” để thể hiện những suy nghĩ và hiểu biết của trẻ về những gì trẻ suy nghĩ hay đã học được trong các dự án.
- Người lớn giữ vai trò cố vấn và hướng dẫn cho trẻ
Vai trò của người lớn là quan sát trẻ; lắng nghe những câu hỏi và những câu chuyện của trẻ, tìm hiểu những điều mà trẻ quan tâm; từ đó mang đến cho trẻ những cơ hội được tìm hiểu và khám phá những điều chúng quan tâm.
(Dự án động vật có vỏ cứng)
=========================================================================
PHƯƠNG PHÁP REGGIO EMILIA
Triết lý giáo dục Reggio Emilia được nhà tâm lý học người Italia, Loris Malaguzzi phát triển từ những năm 40 sau khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 vừa kết thúc. Reggio Emilia là tên ngôi trường nơi triết lý giáo dục này được xây dựng và áp dụng đầu tiên. Mặc dù có bị ảnh hưởng nhiều từ trường phái Montessori – một trường phái giáo dục cũng khởi nguồn từ Italia, nhưng khác với triết lý Motessori, cách tiếp cận của Reggio dựa trên một chương trình học mở – sẵn sàng tiếp nhận sự linh hoạt và sáng tạo trong giảng dạy.
Triết lý Reggio Emilia bắt nguồn từ niềm tin cho rằng trong mỗi trẻ đều chứa đựng một tiềm năng lớn và tiềm năng đó sẽ được phát triển nhờ chính trí tò mò vốn có của trẻ. Trẻ cố gắng tìm hiểu thế giới xung quanh và tự đưa ra cách riêng của mình để giải thích sự vận động của thế giới xung quanh trẻ. Theo Reggio Emilia, mỗi cá nhân chúng ta đều xây dựng kiến thức của mình từ những kinh nghiệm thực tế, thông qua những tương tác của mỗi người với môi trường và xã hội. Trẻ em cũng vậy, trẻ cần được nhà trường và gia đình trao cho những cơ hội để xây dựng kho kiến thức của mình dựa trên trí tò mò tự nhiên của trẻ. Trường học theo trường phái Reggio sẽ đem đến cho trẻ những cơ hội tìm hiểu, khám phá, mở rộng kiến thức thông qua cách tiếp cận về chuyên đề (Project Approach) mà trẻ thực hiện tại nhà trường.
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN
Theo trường phái Reggio Emilia, người giáo viên trước hết là người bạn cùng học tập với trẻ. Giáo viên sẽ hỗ trợ trẻ thu thập thông tin, cùng trẻ tìm hiểu, học hỏi về một chủ đề và sẽ là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển khả năng tư duy của trẻ. Thông qua vai trò người giáo viên – nhà nghiên cứu, giáo viên sẽ quan sát, lắng nghe, tập hợp lại những sản phẩm của trẻ và giúp trẻ đặt ra những câu hỏi sâu về chủ đề, khuyến khích trẻ mở rộng tư duy và khuyến khích sự hợp tác của trẻ với những trẻ khác.
Thay vì có một chương trình học đã thiết kế chi tiết sẵn, trường phái Reggio Emilia khuyến khích giáo viên soạn chương trình dựa trên các mối quan tâm của trẻ. Giáo viên được đào tạo để nhận ra các sở thích, các mối quan tâm và xây dựng các dự án chuyên đề để khơi dậy tính tò mò của trẻ.
Tại AMON, chúng tôi áp dụng cách tiếp cận của Reggio Emilia cho các lớp mẫu giáo lớn nhỡ và mẫu gióa lớn thông qua việc tiến hành các đề án tìm hiểu sâu về một chủ đề mà chúng tôi gọi là “Nghiên cứu chuyên đề”. Một chuyên đề theo định nghĩa là việc nghiên cứu sâu về một chủ đề nào đó và nó được một nhóm trẻ trực tiếp tiến hành. Việc nghiên cứu Chuyên đề sẽ không thay thế cho cả chương trình học nhưng nó sẽ làm phong phú thêm chương trình học của AMON và giúp chúng tôi đạt được một số mục tiêu về sự phát triển của trẻ.
Trong thời gian làm chuyên đề, trẻ sẽ chỉ tập trung tìm hiểu xung quanh một chủ đề đã chọn. Chủ đề được lựa chọn dựa trên sự quan tâm của trẻ và dựa trên ý nghĩa của chủ đề đó đối với cuộc sống của trẻ. Trẻ sẽ tìm hiểu sâu về những kiến thức xung quanh chủ đề đó, những kiến thức khá sâu mà đôi khi người lớn cũng phải ngạc nhiên, không nghĩ là trẻ ở lứa tuổi nhỏ lại hiểu biết được đến như vậy. Người giáo viên sẽ tổng hợp các kiến thức như toán, thông tin và khoa học xung quanh các chuyên đề này dựa trên những câu hỏi mà trẻ đặt ra.
Phần lớn các kế hoạch chuyên đề sẽ do trẻ tự xây dựng với sự giúp đỡ của giáo viên. Khi bắt đầu một chuyên đề, trẻ được khuyến khích đặt các câu hỏi về tất cả những gì chúng muốn tìm hiểu về chuyên đề đó. Khi các câu hỏi đã được nêu ra và ghi lại, trẻ sẽ sử dụng nhiều nguồn tài liệu phong phú để đi tìm câu trả lời. Với sự giúp đỡ của giáo viên, trẻ sẽ cùng nhau lên kế hoạch về các hoạt động giúp chúng tìm hiểu những gì chúng muốn biết về chuyên đề. Trẻ cùng nhau tìm cách giải quyết các vấn đề với sự giúp đỡ của các giáo viên trong vai trò tìm nguồn tài liệu và cùng hỗ trợ trẻ đi tìm câu trả lời. Các nguồn tài liệu này bao gồm kiến thức từ sách vở, các thông tin thu thập từ các chuyến thăm thực địa, các cuộc phỏng vấn với “chuyên gia” (chuyên gia là bất cứ ai hiểu biết về lĩnh vực nào đó thuộc chuyên đề). Trẻ sẽ chuẩn bị các câu hỏi để phỏng vấn các chuyên gia. Khi có thêm kiến thức, trẻ sẽ ghi lại các kiến thức mới tìm hiểu được bằng tranh vẽ hoặc bằng cách ghi chép lại, bằng những poster, bằng các đồ thị, tác phẩm nghệ thuật, bích báo tự làm…
Người giáo viên thu thập các tác phẩm của trẻ, quan sát, phân tích chúng và xây dựng những tư liệu về chuyên đề. Khi chuyên đề kết thúc, cả lớp sẽ trưng bày tất cả những thành quả mà trẻ đạt được.
Tại AMON, chuyên đề là một trong nhiều phương pháp giúp trẻ học tập hiệu quả. Phương pháp chuyên đề phối hợp nhiều kiến thức và kỹ năng mà trẻ đã học được thông qua những phương pháp giáo dục khác. Phương pháp “nghiên cứu” chuyên đề cung cấp cho trẻ những cơ hội để trẻ ứng dụng những gì đã học được để giải quyết các thách thức nảy sinh và chia sẻ những gì chúng tìm hiểu được. Chuyên đề sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng nhóm như phối hợp làm việc với các bạn khác, đặt ra những vấn đề rồi cùng nhau suy nghĩ – đó là những kỹ năng sẽ giúp trẻ phát triển bộ não của chúng.
Thông qua các chuyên đề được lựa chọn từ sự quan tâm và hứng thú của trẻ, giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ tìm hiểu sâu về thế giới thực tế. Nếu người giáo viên biết cách thực hiện thành công các chuyên đề, trẻ sẽ cảm thấy rất hứng thú và nhiệt tình tham gia vào quá trình học hỏi của chúng và điều đó sẽ khiến trẻ thực hiện được hiệu quả các công việc với chất lượng cao, và trẻ sẽ phát triển và trưởng thành từ góc độ cá nhân cũng như với tư cách thành viên của nhóm.
REGGIO EMILIA – MAGIC LIGHT TABLE!
Dự án Trứng Với các bạn nhỏ:
Bình luận Facebook: