Phương pháp Giáo dục Montessori
Phương pháp Giáo dục Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục người Ý, tiến sỹ Maria Montessori (1870–1952). Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác.
Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng riêng và sở thích riêng của mình. Do đó việc tổ chức các lớp học theo mô hình Montessori phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt của mỗi trẻ và phải bố trí bài học phù hợp những nhu cầu và mục đích của mỗi em.
Mỗi trẻ là mỗi nhân vị…
Triết lý dạy học của phương pháp Montessori là tôn trọng trẻ như 1 nhân vị. Mỗi trẻ sinh ra đều có tiềm năng để học. Theo Tiến sĩ Maria Montessori, “Học là tự nhiên đúng với thời điểm phát triển của trẻ. Không ai có quyền dạy hơn hoặc thấp hơn, giáo viên không có quyền lựa chọn chương trình dạy mà để trẻ tự lựa chọn”. Giáo viên là người luôn để tâm đến nhu cầu của trẻ và biết cách khích lệ sự tò mò và động lực ham tìm hiểu của trẻ. Với chương trình Montessori, trẻ sẽ dần dần phát triển sự tập trung, phối hợp, độc lập, tự tin và trưởng thành là những cá nhân tích cực, thích nghi với mọi môi trường xã hội.
Các quốc gia có nền giáo dục phát triển như: Nhật Bản, Anh, Mỹ, Thuỵ Điển… đánh giá rất cao phương pháp Montessori và áp dụng rất thành công.
Theo kết quả khảo sát của IMS ở nhóm trẻ được dạy theo phương pháp Montessori, hầu hết các bé đều phát huy được sự độc lập, tự tin và sáng tạo hơn hẳn so với nhóm trẻ được dạy với phương pháp bình thường đối với cả 3 đối tượng: Trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ bình thường và trẻ có khả năng đặc biệt.
Montessori có 5 lĩnh vực chính là: ngôn ngữ, toán học, giác quan, thực hành cuộc sống và văn hóa
Ngôn ngữ
Một trong những điều quan trọng nhất trong 5 năm đầu đời của trẻ là phát triển ngôn ngữ. Góc ngôn ngữ trong phòng học Montessori được thiết kế từ đơn giản tới phức tạp, giúp trẻ biết cách cầm bút, sử dụng các nét bút phục vụ cho việc học viết về sau. Với bảng chữ cái cát hay các xô âm, bảng chữ cắt, trẻ có thể ghi nhớ và tăng vốn từ vựng 1 cách tự nhiên không gò ép.
Toán học
Các giáo cụ toán học từ số lượng vật thể 3D cho đến chữ số trừu tượng sẽ mang lại cho trẻ những hiểu biết căn bản và chắc chắn về toán học. Thông qua hệ thống giáo cụ hạt cườm và màu sắc tượng trưng cho các con số, các phép tính, ban đầu trẻ sẽ tiếp nhận những khái niệm cơ bản bằng những hoạt động cụ thể và dưới sự hướng dẫn của giáo viên Montessori quốc tế tại LSM, dần dần trẻ sẽ hiểu những khái niệm trừu tượng hơn, nâng cao hơn.
Giác quan
Hệ thống giáo cụ giác quan theo tiêu chuẩn Montessori quốc tế, việc phát triển năm giác quan (Thính giác, thị giác, xúc giác, khứu giác và vị giác) bao gồm các giáo cụ giúp trẻ nhỏ phân biệt được to-nhỏ, cao-thấp, dài-ngắn, rộng-hẹp , các giáo cụ giúp trẻ phân được các hình dạng, hình khối, màu sắc bằng trực giác và xúc giác, các giáo cụ phân biệt mùi vị, âm lượng, những giáo cụ lắp ghép trí tuệ do Phương pháp và đội ngũ nghiên cứu mang lại hiệu quả vô cùng lớn.
Thực hành cuộc sống
Các bài tập kỹ năng cuộc sống là những công việc đơn giản dựa trên thực tế và kích thích sự hứng thú ở trẻ khi được bắt chước người lớn và sử dụng dụng cụ thật của người lớn. Trẻ sẽ được học từ những đồ vật quen thuộc và những hoạt động của cuộc sống hàng ngày, từ việc đơn giản như mở được 12 loại nút áo, mặc và gấp quần áo, đến khó hơn như: đánh giày, cắm hoa, trồng cây hay đòi hỏi sự khéo léo như sử dụng dao, dĩa, kim khâu an toàn; biết làm một số việc nhà đơn giản. Các kỹ năng này góp phần giúp trẻ biết yêu thiên nhiên, biết chia sẻ, rèn luyện tính kiên trì, làm việc có chủ đích.
Văn hóa
Lĩnh vực Văn hóa trong lớp học Montessori bao gồm các góc Địa lý, Lịch sử, Khoa học, âm nhạc và nghệ thuật giúp trẻ tiếp cận với những lĩnh vực “học thuật” một cách tự nhiên và ghi nhớ dễ dàng. Dựa trên nguyên tắc chung là giới thiệu cho trẻ các bài học từ dễ đến khó, đi từ vật thể 3D đến khái niệm trừu tượng, sử dụng các giáo cụ giống thật.
Tiến sỹ Maria Montessori là ai ?
Tiến sĩ Maria Montessori (1879 – 1952) là một nhà giáo dục người Ý đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình cho những cống hiến của mình trong lĩnh vực giáo dục trẻ em. Là một người tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục trẻ em ở Châu Âu, những lý thuyết của bà là tiền đề cho các công trình nghiên cứu sau này của các tên tuổi lớn như Piaget và Vygotsky. Năm 1907, khi Maria Montessori 28 tuổi, bà mở trường mầm non đầu tiên của mình ở Rome và đạt được thành công rực rỡ tới mức, chỉ 5 năm sau, ở nước Mỹ phía bên kia đại dương, đã có hàng trăm trường áp dụng phương pháp này của bà.
Maria Montessori đã cống hiến cả cuộc đời bà cho sự phát triển của trẻ thơ. Bà luôn có niềm tin mãnh liệt rằng việc học là trải nghiệm suốt đời đối với trẻ và trẻ ở mọi vùng miền và mọi nền văn hóa đều phát triển theo một hướng như nhau.
Bình luận Facebook: