Tổ chức giờ học cho trẻ mầm non – lấy trẻ làm trung tâm
Với mục đích thống nhất quan điểm tổ chức giờ học theo hướng tiếp cận “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” và thực hiện nhiệm vụ năm học, ngày 27 tháng 4 năm 2016, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tổ chức Hội thảo “Tổ chức giờ học cho trẻ Mầm non theo hướng tiếp cận giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, chúng khác nhau về thể chất và tâm lý. Do đó, mỗi trẻ em có hứng thú, cách học và tốc độ học tập khác nhau và chúng đều có thể thành công. Trẻ học bằng chơi tốt nhất khi có người lớn hỗ trợ và mở rộng những gì chúng đang hứng thú và đang thực hiện.
Vì vậy, với trẻ mầm non, giờ học được tiến hành dưới sự tổ chức, hướng dẫn sư phạm của giáo viên nhằm giúp trẻ lĩnh hội các tri thức mới, củng cố, hệ thống hóa các tri thức đã có, đồng thời hình thành và rèn luyện các kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội.
Dạy học lấy trẻ làm trung tâm khác với dạy học truyền thống là giáo viên không truyền đạt kiến thức cho trẻ mà tạo ra các điều kiện, các cơ hội để mọi đứa trẻ được chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động; tự chiếm lĩnh kiến thức, kinh nghiệm.
Để đạt được điều này, giáo viên cần nắm được hứng thú, nhu cầu, trình độ, khả năng của từng trẻ trong lớp, trên cơ sở đó lựa chọn được nội dung, phương pháp phù hợp với từng nhóm, từng cá nhân trẻ.
Hội thảo đã thực sự là một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các cán bộ, giảng viên giảng dạy Giáo dục Mầm non cùng trao đổi ý kiến, phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc tổ chức giờ học cho trẻ Mầm non theo hướng tiếp cận giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”.
Với 12/14 tham luận mang giá trị học thuật cao xoay quanh việc tổ chức giờ học cho trẻ Mầm non theo hướng tiếp cận giáo dục “Lấy trẻ làm trung tâm” như:
– Bàn về giờ học ở trường mầm non hiện đại và việc đào tạo giáo viên mầm non tại Việt Nam.
– Vận dụng quan điểm dạy học lấy trẻ làm trung tâm vào việc tổ chức giờ học ở trường mầm non như khám phá môi trường xung quanh, thể chất, làm quen với toán, làm quen với tác phẩm văn học, phát triển ngôn ngữ…
Phát biểu tại Hội thảo NGƯT.TS. Đặng Lộc Thọ – Hiệu trưởng Trương CĐSP Trung ương, nhấn mạnh: Phát triển chương trình giáo dục mầm non theo quan điểm tiếp cận giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Những vấn đề trao đổi tại hội thảo cần được vận dụng vào các bài giảng cho sinh viên và đưa vào các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên tại các cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.
Hiện nay trên thế giới có một số mô hình, cách tiếp cận trong giáo dục đầu đời được các nhà chuyên gia giáo dục đánh giá cao. Điển hình như các mô hình đã có từ lâu nhưng hiện vẫn có giá trị là Montessori (Italy) hay các mô hình mới được xây dựng gồm Reggio Emilia (Italy), High Scope (Mỹ)… Từ thực tiễn cho thấy, cách tiếp cận tốt nhất để giáo dục trẻ mầm non đó là lấy trẻ làm trung tâm và ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực để thúc đẩy sự phát triển tính chủ động, khả năng tư duy độc lập và giải quyết vấn đề cho trẻ – TS.Đặng Lộc Thọ.
Các bài viết khác:
- AMONER’S FAMILY OUTING – QUẬY TUNG VƯỜN BƯỞI DIỄN CÙNG CÁC GIA ĐÌNH AMON (0 lượt xem)
- Tham quan bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam (0 lượt xem)
- KHÔNG CHỈ CON MÀ BỐ MẸ CŨNG CÓ NGÀY HỘI CỦA RIÊNG MÌNH (0 lượt xem)
- LỄ TRI ÂN THẦY CÔ AMON! (0 lượt xem)
- TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ TẠI PHÒNG KHÁM NHA KHOA – LÀM SAO ĐỂ CÓ HÀM RĂNG KHOẺ? (0 lượt xem)
Bình luận Facebook: