Tầm quan trọng của vận động đôi bàn tay trong giáo dục đầu đời

Đăng ngày: 30/11/2020 Lượt xem: 236

Tầm quan trọng của vận động đôi bàn tay trong giáo dục đầu đời

“Con người làm việc bằng đôi tay theo kinh nghiệm, đầu tiên trong những trò chơi thơ ấu và sau đó là trong công việc. Đôi bàn tay là công cụ của trí thông minh con người.” – Đó là những gì tiến sĩ, nhà giáo dục Maria Montessori từng nói về tầm quan trọng của đôi bàn tay đối với trí tuệ của chúng ta.

124935055_386923019026609_4621534619048739156_n 125042936_386923005693277_6017943636754873532_n
Tầm quan trọng của đôi bàn tay được nhấn mạnh trong những phương pháp giáo dục đầu đời nổi tiếng trên thế giới như Montessori hay Waldorf – Steiner. Sự vận động của đôi tay cũng phát triển cùng một nhịp với tư duy não bộ. Đôi tay truyền tín hiệu tới não bộ, và não bộ chỉ dẫn cho đôi tay, cứ thế như một vòng tròn không dứt tạo nên sự phát triển của trí tuệ con người.
Ngày nay, những nghiên cứu trong khoa học thần kinh đã minh chứng cho mối liên hệ bền vững này giữa bàn tay và trí óc. Nhà sinh lý học thần kinh người Thụy Điển Matti Bergstrom từng khẳng định: “Những đầu mút dây thần kinh tập trung dày đặc ở đầu ngón tay. Khả năng phân biệt của chúng cũng tương đương với thị giác của chúng ta. Nếu không sử dụng những ngón tay, nếu trong thời thơ ấu ta “mù ngón tay” thì mạng lưới dây thần kinh dày đặc này sẽ mai một dần – một sự phất mát lớn đối với não bộ và cản trở sự phát triển toàn diện của mỗi con người”.

125789639_391339678584943_4302340976059472122_n
Các phương pháp giáo dục đầu đời tập trung vào sự vận động của đôi tay với những mục đích sau:
– Phát triển và rèn luyện kỹ năng vận động, đặc biệt là những kỹ năng liên quan đến ngón tay và bàn tay. Những kỹ năng này sẽ theo trẻ cả cuộc đời.
– Tạo nên một sự kết nối giữa trải nghiệm cảm quan và hoạt động sáng tạo ở trẻ
– Cho trẻ hiểu rằng mỗi kỹ năng đều có thể cải thiện nhờ việc luyện tập, và mở ra cho trẻ một thế giới vô vàn những kỹ năng để tự khám phá và cải thiện
– Cung cấp cho trẻ nhiều con đường để tự sáng tạo nên những gì có ý nghĩa và tươi đẹp

125760623_390541955331382_7074955529912417233_n 126290611_395239894861588_947356060389683881_n 127670465_395245898194321_5664119069257126346_n
Tại Amon, chúng tôi chắt lọc và học tập những lý thuyết quan trọng về đôi bàn tay vàoo chương trình dạy. Trẻ được trải nghiệm những cơ hội học tập thông qua những hoạt động thực tế sử dụng đôi tay như gấp quần áo, rót nước hay buộc nơ. Những học liệu cảm quan (sensory) giúp giác quan trở nên tinh nhạy hơn qua hoạt động của đôi tay. Ngôn ngữ và toán học cũng được giới thiệu qua các vật liệu: học chữ cái bằng giấy nhám, học số đếm bằng khối hạt cườm. Trẻ được nặn sáp ong, chơi đàn lyre, làm búp bê hay đan len – tất cả đều là những hoạt động cần sử dụng đôi tay một cách tập trung và kiên nhẫn.

Cần nhấn mạnh rằng vận động đôi tay không chỉ là làm một lần cho có rồi chuyển sang hoạt động khác. Điều quan trọng là trẻ được luyện tập một hoạt động lặp lại nhiều lần để thuần thục, điêu luyện từng kỹ năng một.

Bình luận Facebook:

Các bài viết khác: