Khoảng cách chênh lệch vùng miền vẫn khó thu hẹp

Đăng ngày: 16/05/2016 Lượt xem: 219

Từ bậc học non yếu nhất trong hệ thống giáo dục, sau 10 năm, với sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương và người dân trong việc đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực, đến nay, giáo dục mầm non (GDMN) có sự khởi sắc đáng ghi nhận. Tuy nhiên, 10 năm qua, khoảng cách các vùng miền của GDMN vẫn chưa được lấp đầy.
10 năm chỉ một dự án ODA
Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2014-2015, toàn quốc có hơn 277 nghìn giáo viên mầm non với tỷ lệ giáo viên/nhóm lớp là 1,7. Mức chi bình quân ngân sách/trẻ/năm công lập năm 2014 là 5,8 triệu đồng/trẻ.
Theo thống kê, năm 2014-2015 chương trình GDMN đã được thực hiện tại 14.199 trường, đạt tỷ lệ 99,97% với 167.753 nhóm lớp. Trong đó có 57.947 lớp mẫu giáo 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ được học chương trình GDMN đạt 99,1%, trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%. Cả nước có 166.732 nhóm lớp học 2 buổi/ngày, đạt tỉ lệ 98%. Có 98,9% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày.
Hiện tỷ lệ trẻ ăn bán trú tăng, số nhóm lớp tổ chức bán trú đạt 85,1%, trẻ được ăn bán trú đạt 85,2%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ được cải thiện đáng kể, từ 6,2% năm 2010 lên 4,2% năm 2015.
Đến cuối năm 2015, có hơn 95% các trường mầm non hoàn thành tự đánh giá và 18,7% số trường mầm non được đánh giá ngoài đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp độ 1 trở lên. Điều này thể hiện sự nỗ lực của các cấp trong việc đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng các trường mầm non.
Về giáo viên, năm 2015 đã có gần 60% giáo viên đạt trên chuẩn trình độ đào tạo. Việc tuyển dụng giáo viên tại các địa phương được triển khai tích cực. Đặc biệt từ năm 2010 đến nay tăng nhanh với tổng số được tuyển dụng trong 5 năm qua là trên 106 nghìn giáo viên.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT cho biết, bậc học mầm non vẫn còn rất nhiều điểm khó khăn, 10 năm qua, nguồn vốn đầu tư cho bậc học này vẫn… ít so với nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất cũng như cải thiện chế độ cho giáo viên. “Nguồn vốn ODA cho GDMN rất ít ỏi, đến nay mới chỉ có một dự án ODA là Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non, tập trung hỗ trợ cho đối tượng trẻ khó khăn, dân tộc thiểu số, hỗ trợ trả lương giáo viên, chưa có dự án đầu tư riêng giải quyết vấn đề trường lớp, cơ sở vật chất” – ông Minh cho biết.


Ở một số nơi, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp vẫn còn thấp. Ảnh: P.T

Khoảng cách chênh lệch vùng miền rõ rệt
Thừa nhận việc vẫn còn khoảng cách rõ rệt giữa các vùng miền về chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện vùng miền núi cao, vùng sông nước vẫn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ. Mạng lưới trường lớp còn hạn chế bất cập, nhất là một số khu đô thị, khu công nghiệp chưa xây dựng được cơ sở GDMN, người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát không phép, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu phòng học vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Trong bối cảnh đời sống người dân còn nhiều khó khăn, rõ ràng những đầu tư cho giáo dục nói chung và GDMN nói riêng đôi khi chưa được như ý muốn. Điều này khiến cho một số chỉ tiêu đạt còn thấp. Điển hình như tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp chưa đạt mức 30% như mục tiêu. Cả nước mới có 31,1% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia thay vì 50% như kỳ vọng.
Đặc biệt ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp. Cả nước vẫn còn 30.090 nhóm, lớp ghép 2 đến 3 độ tuổi. Ở một số điểm lẻ, trẻ 5 tuổi chưa được tách thành lớp riêng để chuẩn bị tâm thế vào lớp 1…
Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian sắp tới là đẩy mạnh xã hội hóa GDMN. Cần ban hành và thực hiện cơ chế chính sách để khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển GDMN.
Trong những năm qua, các địa phương cũng đã tăng chi ngân sách cho GDMN, nhờ vậy mức chi bình ngân ngân sách/trẻ/năm tăng từ 2,1 triệu đồng năm 2005 lên 5,8 triệu đồng/trẻ năm 2014.
Cả nước hiện có 97,8% đơn vị cấp xã, 92,4% đơn vị cấp huyện và 71,4% đơn vị cấp tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Những tỉnh còn lại phấn đấu đạt chuẩn năm 2016.
Theo PL

Bình luận Facebook:

Các bài viết khác: