GỢI Ý BỐ MẸ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG GIÚP CON KIÊN NHẪN HƠN

Đăng ngày: 02/03/2021 Lượt xem: 182
“Mẹ ơi, mình đi được chưa? Mẹ ơi, đến giờ chưa? Mẹ! Con CHÁN quá!!! Bạn có thường xuyên phải nghe những câu này từ đứa con bé bỏng của mình không? Đúng là trẻ em rất khó để có thể kiên nhẫn. Khi con cần cái gì là cần luôn lúc đó. Nhưng nếu trẻ vẫn tiếp tục thiếu kiên trì thì con rất khó rèn luyện được sự tập trung, không có ý chí vươn lên, không chịu khó khắc phục khó khăn. Đồng thời trẻ sẽ mất dần đi tính sáng tạo, khả năng hoàn thành nhiệm vụ và thường xuyên ỷ vào cha mẹ.
 Là bố mẹ, tất nhiên chúng ta đều không muốn thói xấu này ảnh hưởng tới tương lai sau này của con. Nhưng làm sao để giúp con rèn luyện tính kiên nhẫn lại vừa tạo được hứng thú cho bé, giúp con phát triển tư duy tốt hơn? Hãy để Amon giúp bố mẹ nhé!
 BỐ MẸ DẠY CÓ THỂ CON KIÊN NHẪN NHƯ THẾ NÀO?
Không bao giờ là quá sớm để hình thành cho con tính kiên nhẫn, ngay cả khi con mới chỉ chập chững biết đi. Khi bạn bắt đầu từ sớm, con cũng sẽ có cơ hội được “giác ngộ” sớm hơn và có nhiều thời gian để luyện tập hơn. Dưới đây là một số mẹo mà chúng mình nghĩ có thể giúp được bố mẹ:
  •  Thực hành cho con thấy thế nào kiên nhẫn
Thật không dễ để trẻ vừa gọn gàng và sẵn sàng ra khỏi nhà đúng giờ trước giờ đi học hay trước bất kỳ một buổi hẹn nào. Vậy nên chính những tình huống như thế sẽ là điều rất quan trọng để bạn “thực hành” cho con thấy kiên nhẫn là như thế nào, để từ đó con có được ví dụ cho mình.
  •  Tập cho con chờ từng chút một 
Tìm kiếm cơ hội để con có cơ hội được chờ thứ mình muốn. Bố mẹ có thể bắt đầu để con chờ một khoảng thời gian ngắn như 1 hoặc 2 phút và đặt đồng hồ bấm giờ, con sẽ dần sớm hiểu khái niệm chờ đợi là như thế nào. Và khi con bắt đầu hiểu được rõ hơn, bạn có thể tăng dần khoảng thời gian con đợi hơn một chút để rèn luyện cho con sự kiên nhẫn.
  •  Duy trì một thái độ đúng đắn 
Mặc dù rất khó nhưng khi bạn làm mẫu cho con về sự kiên nhẫn thì đừng quên thể hiện mình đang điềm tĩnh, mỉm cười và giải quyết những vấn đề không mong muốn bằng một thái độ tích cực, thậm chí bạn có thể hỏi ý kiến của trẻ để cùng trẻ tìm cách giải quyết vấn đề. Ngược lại nếu mình thể hiện thái độ bực bội, khó chịu thì con cũng sẽ rất dễ học theo bạn những hành động đó và trở nên mất kiên nhẫn.
  •  Tận dụng việc lắng nghe 
Khi con phàn nàn rằng con thà chơi hay làm cái gì khác hơn là ngồi đợi, bạn có thể để con được nói về cảm xúc của mình từ lo lắng, căng thẳng để con có thể giải tỏa được phần nào cảm xúc và dần lấy lại được bình tĩnh hơn.
  •  Khuyến khích con có những giải pháp thay thế 
Nếu bạn biết được rằng mình cùng con sẽ phải chờ một khoảng thời gian nhất định, tại một địa điểm cụ thể thì bạn có thể mang theo cho con một vài vật dụng con thích để con có thể làm, để giải trí như sách tô màu, trò chơi… để khoảng thời gian chờ đợi trở nên thú vị hơn.
  •  Ghi nhận sự kiên nhẫn của con 
Kiên nhẫn là một kỹ năng nên nó cần rèn luyện qua một khoảng thời gian, vậy nên bất kỳ khi nào con thể hiện được sự kiên nhẫn thì bạn cần thừa nhận, khen ngợi để khuyến khích con làm lại. Ví dụ con thể vui chơi, không quấy khóc khi phải chờ thì bạn có thể khen con rằng bạn thấy vui vì con đã cùng ngồi chờ với bạn.
  •  Tận hưởng những hoạt động chậm rãi
Một số những hoạt động mà chúng mình giới thiệu cho bố mẹ dưới đây thực sự sẽ đem lại cảm giác chậm rãi, cần nhiều thời gian để có được kết quả như mong đợi. Bởi vậy, bố mẹ tránh đưa cho con các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng để “giết thời gian”, mặc dù nó có thể đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ, con có thể sẽ không mè nheo nữa nhưng khi không có các thiết bị ấy thì con hay cả bản thân bố mẹ sẽ phải làm gì để con bình tĩnh hơn.
  • Hiểu được điều gì “kích hoạt” sự mất kiên nhẫn của con 
Con bạn có thấy khó khăn khi chờ đến lượt của mình? Con có thấy thất vọng khi tập một cái gì đó mới? Con có bị nản lòng bởi những câu đố hóc búa mà mãi không tìm ra giải pháp?… Khi bạn biết được điều gì khiến con mất kiên nhẫn, bạn có thể cùng con tìm ra cách điều chỉnh. Ví dụ, con thấy nản khi làm một hoạt động mới, bạn có thể kiên nhẫn chỉ cho con cách làm đúng.
 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG ĐÒI HỎI SỰ KIÊN NHẪN CỦA TRẺ
Nếu mình chỉ đơn giản giải thích cho trẻ kiên nhẫn là gì thì có thể hiệu quả bằng việc bạn để con được tự mình trải nghiệm. Dưới đây là một số hoạt động, trò chơi kiên nhẫn mà bố mẹ có thể tham khảo nhé!
  •  Mở quà: Bố mẹ có thể bọc món quà thành nhiều lớp và để trẻ bóc từng lớp. Nếu nhà có nhiều trẻ thì bạn có thể để trẻ chờ đến lượt mình bóc từng lớp một cho đến khi hết.
  •  Nướng bánh: Nếu nhà bạn có lò nướng thì đây cũng là một cách hay để bạn tham khảo. Con sẽ được đo từng lượng nước, lượng bột, lượng sữa… cho vào và chờ cho đến khi mẻ bánh ra lò.
  •  Trồng cây: Ngay cả khi hạt giống đã được trồng xuống thì các bạn nhỏ cũng cần có thời gian chờ để mầm lớn dần lên thành cái cây. Quan sát sự biến đổi, phát triển của nó có thể sẽ là một trải nghiệm thú vị.
  •  Đi câu cá: Câu cá thực sự là một hoạt động cần rất – rất – nhiều sự kiên nhẫn vì bạn cần phải chờ cá cắn câu. Nếu bạn không muốn làm đau bất kỳ con cá nào, bạn có thể tránh sử dụng lưỡi câu hoặc thả cá sau khi mình bắt được.
  •  Chơi trò chơi: Nếu bố mẹ đang tìm kiếm trò chơi giúp các bạn nhỏ tăng tính kiên nhẫn, khả năng quan sát, rèn sự tập trung, ghi nhớ, phối hợp nhanh nhẹn tay-mắt thì “THẢ XÚC XẮC – BẮT HÌNH XINH” chính là sự lựa chọn tuyệt vời. Đây là trò chơi thuộc Hộp Háo Hức 6-10 tuổi trong tháng 1 này đấy! Điểm đặc biệt ở trò chơi này đó là nhờ tính chất đối kháng, ganh đua, các bạn nhỏ sẽ phải học cách tính toán, tư duy thật cụ thể, kĩ càng nếu muốn giành được chiến thắng. Trò chơi sẽ cực kỳ hấp dẫn nếu cả nhà có thể cùng chơi với nhau, cùng gắn kết.
  •  Kể chuyện sáng tạo: Nếu bạn và con phải đứng chờ một lúc thì bạn và bé có thể cùng nhau sáng tạo một câu chuyện bằng cách mỗi người nói một câu cho đến khi hết câu chuyện. Cách làm này vừa giúp con rèn luyện sự kiên nhẫn bằng cách chờ mình nói và vừa giúp con phát huy khả năng sáng tạo.
  •  Hứng mưa: Khi trời bắt đầu mưa, bạn có thể yêu cầu con hứng một cốc hay một chậu đầy nước mưa. Chờ cho những đồ vật ấy từ trống rỗng chuyển sang đầy nước cũng là một cách thú vị để dạy con về sự kiên nhẫn.
Vậy nên sự thay đổi, lớn lên của con cũng cần ở chính bố mẹ nữa. Mình sẽ cần tránh cằn nhằn, nói lặng lời hay vội vã khi con đang làm vì cũng giống như chúng ta, con cần có thời gian để biến những gì con đang làm thành thuần thục.
——————————————
HỆ THỐNG TRƯỜNG MN GIÁO DỤC TRẢI NGHIỆM AMON KINDERCARE
Campus 1: Lô TT4.15 & 16 KĐT Nam Cường, Ngõ 234 Hoàng Quốc Việt, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Campus 2: Lô 115 & 116 Phố Thiên Hiền, P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm Hà Nội
Campus 3: Lô TT4. 24 & 25 KĐT Thành Phố Giao Lưu, Ngõ 232 Phạm Văn Đồng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Campus 4: Lô TT4. 1 KĐT Thành Phố Giao Lưu, Ngõ 232 Phạm Văn Đồng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Campus 5: Lô BT 06 – 08. KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0986 268 141 – 098 1796 006

Bình luận Facebook:

Các bài viết khác: