ĐỂ CON LỚN LÊN TỬ TẾ VÀ MẠNH MẼ: 5 KỸ NĂNG XÃ HỘI & CẢM XÚC QUAN TRỌNG CHÚNG TA CẦN ƯU TIÊN DẠY NGAY TỪ ĐỘ TUỔI MẦM NON

Đăng ngày: 27/11/2020 Lượt xem: 122

ĐỂ CON LỚN LÊN TỬ TẾ VÀ MẠNH MẼ: 5 KỸ NĂNG XÃ HỘI & CẢM XÚC QUAN TRỌNG CHÚNG TA CẦN ƯU TIÊN DẠY NGAY TỪ ĐỘ TUỔI MẦM NON 

 

Amon tin rằng nếu chúng ta muốn dạy những đứa trẻ cách xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, trước tiên cần phải dạy con cách để chính con trở nên mạnh mẽ hơn. 

Phụ huynh tại Amon phần lớn là thế hệ học sinh của những trường công lập vào những năm 80-90, nơi giáo viên có thể gán cho một đứa trẻ quậy phá là “hư hỏng” và phạt úp mặt vào góc lớp hay đuổi ra khỏi lớp. Là những nhà nghiên cứu giáo dục, chúng tôi được tiếp xúc với những phương pháp tiên tiến và tiến bộ hơn của thế giới, trong đó có cách làm dịu những cảm xúc của trẻ thông qua việc giảng dạy về xã hội và cảm xúc ở trẻ. Tư tưởng mà chúng tôi thấy ở được áp dụng ở các nước Bắc Âu trong nửa thế kỷ qua rất đơn giản: Để nuôi dạy những đứa trẻ tử tế, chúng ta phải dạy chúng cách tử tế với chính mình. Điều đó bắt đầu với việc nhận diện và làm chủ cảm xúc của chính chúng. 

123919814_360737338564176_4443564612972404199_n

Giáo dục cảm xúc có thể được dạy theo nhiều cách: Trẻ ngồi trên một bàn tròn và khen ngợi những đứa trẻ khác hoàn thành tốt công việc. Giáo viên có thể có những bài tập là các câu đố ghép hình để trẻ xác định những đối tượng khác nhau trong xã hội: cầu thủ bóng đá, con gái – con trai, người nông dân… và từ đó trẻ phát triển sự hiểu biết cũng như hình thành khái niệm về bản thân chúng. 

120453727_383436419328896_5393214893729920209_o

Có 5 kỹ năng xã hội mà chúng ta, cả những nhà giáo dục lẫn phụ huynh rất cần phải ưu tiên để hướng dẫn cho trẻ ngay từ độ tuổi mầm non:

1/ Tự nhận thức: là khả năng nắm bắt và thể hiện cảm xúc, mục tiêu của trẻ. Điều này có thể xây dựng bằng cách giúp một em bé đang khó chịu tìm ra điều khiến chúng khó chịu. Con khó chịu vì đói nhưng không thể nhận ra điều đó nếu không được người lớn giúp. Con tức giận vì quá mệt mỏi nhưng không thể nhận ra điều đó. Chúng ta có thể hỏi “Con bắt đầu thấy như vậy khi nào? Trước đó con đã làm gì/có chuyện gì xảy ra”. Kể cả khi con chưa thể trả lời, việc định hướng theo cách này cũng giúp mang lại hiệu quả trong những hành vi tự phản ánh khi con lớn lên. 

2/ Tự quản lý/kiểm soát/điều chỉnh: Một đứa trẻ có khả năng tự điều tiết tốt sẽ có thể đương đầu với những tác nhân gây căng thẳng. Chúng ta có thể tạo ra một không gian nào đó ở lớp, ở nhà mang lại cảm giác dễ chịu, hay thường được gọi là “góc bình yên”, giúp con bình tĩnh lại. Không gian này sẽ giúp con cảm thấy ổn hơn, sau đó có thể quay lại tập trung vào việc con đang thực sự làm. 

122741238_403545600651311_729944542399332875_o

3/ Nhận thức xã hội: Đây là khả năng vừa cảm nhận vừa thể hiện sự đồng cảm. Trẻ dưới 3-4 tuổi có thể chưa có được khả năng này nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nói cho trẻ về cảm giác của chính người lớn, của những người xung quanh trong cuộc sống. Ví dụ như “Mẹ đau khi con cắn mẹ”, “Mẹ thấy buồn vì bà ngoại không còn ở đây nữa”, “À, con buồn vì đồ chơi bị gãy phải không?”.

125208067_852810602120617_8986573007312645295_o

4/ Quan hệ xã hội: kỹ năng này giúp trẻ giao tiếp, lắng nghe và hợp tác. Để thúc đẩy được kỹ năng này thì người lớn cần cho con thấy cảm xúc của con là quan trọng. Trước khi đi ngủ, có thể hỏi con có điều gì khiến con vui, buồn, sợ hãi hoặc bối rối vào ngày hôm đó. Thực sự lắng nghe và phản hồi những gì con nói với chúng ta. 

124159989_361421065162470_1407328324098819412_n

5/ Đưa ra những quyết định có trách nhiệm: đây là khả năng cư xử theo cách có lợi cho bản thân và người khác. Để nuôi dưỡng kỹ năng này, hãy làm mẫu cho trẻ. Hãy cho con thấy bạn là người biết cân nhắc trước các quyết định, quan tâm đến nhu cầu của người khác cũng như chính bạn. “Hôm nay mình định ra ngoài ăn pizza nhưng mẹ lại đang mệt, mẹ biết nếu không đi nữa thì chắc con sẽ rất thất vọng, vậy nên mẹ nghĩ là mình sẽ gọi pizza về nhà và ăn ở nhà, như vậy mẹ cũng sẽ đỡ mệt hơn, con đồng ý chứ?”. 

Củng cố cảm xúc và các kỹ năng xã hội tại nhà không quá khó. Các bố mẹ hãy tin rằng để giúp một đứa trẻ trở thành phiên bản tốt của chính con, để con có thể hiểu về cuộc sống, về những gì đang xảy ra… đều phụ thuộc vào lòng tốt, sự tử tế và tình yêu của cha mẹ. 

Khi một đứa trẻ được đáp ứng các nhu cầu của con, khi con được nuôi dưỡng trong yêu thương, lòng trắc ẩn thì con hiểu rõ điều đó như một phần trong con người của chính con. 

Bình luận Facebook:

Các bài viết khác: